Chi tiết

Tin Tức

Những điều thú vị từ tập đoàn máy lạnh Mitsubishi Heavy Industries
26/06/2021

Nói về các dòng máy lạnh Nhật Bản cao cấp, thì không thể không nhắc đến hãng máy lạnh Mitsubishi Heavy – một trong những cây đại thụ trên thị trường cực kỳ sôi động và cạnh tranh này. Có mặt hơn 10 năm tại Việt Nam và tham gia vào rất nhiều công trình như nhà ở, khu thương mại, căn hộ cao cấp… không truyền thông quá nhiều nhưng vẫn âm thầm phát triển nhờ vào chất lượng và độ bền bỉ qua năm tháng của mình.

Cùng với sự phát triển hơn 134 năm của tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries (MHI), máy lạnh Mitsubishi Heavy cũng đã có những bước thăng trầm trong suốt chiều dài lịch sử của MHI. Hãy cùng tìm hiểu những điều thú vị của tập đoàn máy lạnh Mitsubishi Heavy nhé.


Mitsubishi Heavy Industries khởi nguồn là một công ty đóng tàu

Công ty Mitsubishi là một công ty chuyển hàng thành lập bởi Yataro Iwasaki năm 1870. Năm 1873, tên công ty được đổi thành Mitsubishi Shokai (三菱商会: Tam Lăng thương hội) và bắt đầu đa dạng hóa kinh doanh sang các lĩnh vực đóng tàu, bảo hiểm, xếp gỡ hàng và thương mại. Mitsubishi còn xâm nhập thêm vào các lĩnh vực khác như sản xuất giấy, thép, thủy tinh, hàng điện tử, tàu sân bay, khai thác dầu mỏ và bất động sản. 

Năm 1884 ông Yataro Iwasaki, người sáng lập Mitsubishi đã thuê Nhà máy đóng tàu Nagasaki thuộc sở hữu của Chính phủ. Ông đặt tên công ty là Nagasaki Shipyard & Machinery Works (Xưởng cơ khí đóng tàu Nagasaki), và bắt đầu hoạt động đóng tàu trên quy mô lớn. Doanh nghiệp đóng tàu này sau này đổi tên thành Mitsubishi Heavy Industries, Ltd. (Mitsubishi Công Nghiệp Nặng) và trở thành công ty tư nhân lớn nhất ở Nhật Bản, sản xuất tàu biển, máy móc hạng nặng, máy bay, và toa xe. 

Mitsubishi Heavy Industries sản xuất máy bay chiến đấu cho thế chiến thứ hai

Trong suốt chiến tranh thế giới thứ II, Mitsubishi sản xuất tàu sân bay và máy bay chiến đấu, dưới sự chỉ đạo của kỹ sư hàng không Jiro Horikoshi. Mitsubishi Zero là máy bay tiêm kích chủ lực hoạt động trên tàu sân bay. Nó được các phi công của Hải quân Đế quốc Nhật Bản sử dụng trong trận đánh Trân Châu Cảng ngày 7 tháng 12 năm 1941 và trong rất nhiều lần khác, bao gồm cả trong các cuộc tấn công cảm tử Thần phong.

Sau khi kết thúc Thế chiến II, đạo luật về giải thể "zaibatsu" có hiệu lực, nhiều công ty tập trung quyền lực kinh tế lớn bị giải thể, Nagasaki Shipyard & Machinery Works cũng bị ảnh hưởng. Do vậy, trong năm 1950, MHI đã được chia thành ba công ty: Công ty Heavy-Industries Tây Nhật Bản, Công ty Heavy-Industries Trung tâm Nhật Bản, và Công ty Heavy-Industries Đông Nhật Bản. Đến năm 1964, các công ty này được hợp nhất và tái thành lập với tên gọi chính thức Mitsubishi Heavy Industries, Ltd.

Mitsubishi Heavy Industries gồm nhiều công ty lớn

Vì quá trình đa dạng hóa, Mitsubishi Heavy Industries, gồm có ba công ty công nghiệp:

Mitsubishi Motors, nhà sản xuất ô tô lớn thứ sáu của Nhật Bản.

Mitsubishi Atomic Industry, một công ty năng lượng nguyên tử.

Mitsubishi Chemical Holdings, công ty hóa chất lớn nhất Nhật Bản.

Biểu tượng của Mitsubishi Heavy Industries

"Three Diamonds" hay còn có nghĩa là “Ba viên kim cương” là biểu tượng của công ty MHI bắt nguồn từ biểu tượng của lá cờ trên tàu mà công ty tiền thân Tsukumo Shokai, đã chọn khi bắt đầu kinh doanh tàu thuyền. Biểu tượng này là một phiên bản chuyển đổi từ gia huy của gia đình của Yataro Iwasaki, người sáng lập ra Mitsubishi.

MHI đã trải qua một chặng đường dài trong việc tích hợp thế mạnh về quản lý và chuyên môn của các công ty, cùng với việc nâng cao khả năng cạnh tranh cả trên thị trường trong nước lẫn quốc tế.